KHOẢNG TRỐNG - HỒI ỨC VỀ MINH VĂN

Xin trân trọng giới thiệu bài viết của chị Phùng Thục về người Bạn đời của mình - Anh Trần Minh Văn.

https://www.dropbox.com/s/vogara3c6lx8uq0/TMVan.pdf?dl=0




Thứ Năm, ngày 21/11/13 anh phải cấp cứu, vào bệnh viện. Sau khi khám và làm các xét nghiệm xong, BS kết luận anh bị tràn khí màng phổi. Tôi linh cảm đây sẽ là ngày định mệnh - Ngày anh dành cho tôi không còn bao lâu nữa. Bạn bè vào thăm hỏi han, bị bệnh gì, anh cười:
- Thuốc lá đâm thủng phổi!
Đám đàn ông nghịch ngợm rút bao thuốc ra mời anh như mọi lần, anh nói:
- Đã thấy quan tài trước mắt rồi!
Một hôm tôi sang phòng thu ngân hỏi việc giấy tờ ra viện, xong việc, quay về phòng thấy mắt anh đỏ hoe, trên tay đang cầm điện thoại. Tôi hỏi:
- Anh đau à?
Không !
- Anh vừa nói chuyện với ai đấy?
-   Cái Miu (con gái thứ hai đang học ở CHLB Đức), nó bảo mai nó bay về.
Bệnh của anh đã ổn, bác sỹ cho ra viện. Sau khi ra viện, tôi thấy anh lạ lắm - Ngẩn ngơ như người mất hồn, chẳng có chút sinh khí nào cả. Tôi lo lắng:
- Anh thấy trong người thế nào?
- Cứ duy trì được như thế này là tốt lắm rồi. Cứ thấy đầu óc quay cuồng, hồi hộp thế nào ấy. 
Tôi giục anh đi chụp chiếu thì anh lại cáu gắt ầm nhà:
- Nói ít thôi! Nhức hết cả đầu!
Mấy tuần sau, anh vào viện cắt chỉ, tôi kể lại với bác sỹ điều trị hiện tượng trên. Bác sỹ cho kiểm tra và làm các xét nghiệm. BS nói không có vấn đề gì đặc biệt nữa và dặn tôi động viên để anh quên đi cú sốc vừa qua.
Một buổi sáng, anh dắt xe ra khỏi nhà được khoảng 10' gì đó thì gọi về:
- Mệt quá, không thở được!
Tôi chạy vội ra đường, cách nhà khoảng 400m, thì thấy anh đang ngồi trên xe, chân chống đất, nhăn nhó. Tôi bảo anh ngồi lùi lại phái sau để tôi chở anh về nhà. Anh lắc đầu:
- Không chở được đâu!
Sững sờ, tôi nhớ lại những năm 80. Anh bị thoát vị cột sống. Sáng sớm tôi định đưa ông đến nhà ông lang Hanh. Anh vừa ngồi lên xe thì ôi thôi, xe gần như bị tùng bê, tay lái nghiêng ngả siêu vẹo, không sao giữ được. Tôi đành phải nhờ ông hàng xóm đưa anh đi. Không ngờ anh vẫn nhớ là tôi không chở được anh.
Ngày tháng qua đi, kể từ ngày anh "nhìn thấy quan tài", anh làm việc sinh hoạt trật tự hơn, chịu khó tập tành hơn. Một buổi chiều anh ôm ngực ho rũ rượi, trông thật tội:
- Lại khó thở !
Chúng tôi vào viện. Bác sỹ kết luận:
- COPD (Tắc nghẽn phổi mẫn tính).
Bệnh tình tiến triển âm thầm có Trời mới biết được. Anh ho liên tục, ho không ngủ được, người phờ phạc. Tôi bảo:
- Mai đến bs Tọa khám lại xem sao?
- Biết bệnh rồi còn khám xét làm gì?
Ngang lắm. Tôi gọi điện cho bác sỹ, ông ấy bảo:
- Nên mua cho anh ấy một bình oxy.
Tôi chẳng biết mua bình oxy như thế nào. Không nói với anh, tôi lại đành nhờ ông hàng xóm ngày xưa mua hộ rồi chở đến. Bình oxy này chẳng bõ bèn gì đối với anh, chỉ hít được hai ba ngày là hết veo, lại phải mang đi đổi chác, phức tạp quá. Anh quyết định mua một cái mày điều chế oxy để cạnh giường, lúc nào mệt thì bật máy thở.

 

Nhớ hồi mới cưới nhau, tuần nào chúng tôi cũng về quê anh. Anh bảo:
- Về để cụ già khỏi tủi thân.
- Mua xong nhà sẽ đưa cụ lên.
Về quê thật vui. Anh vẫy xe vận tải đi nhờ - cả người và chiếc xe đạp. Gió thổi lồng lộn tứ phương. Anh thường ngồi che gió cho tôi. Xuống xe, tôi ngồi vắt vẻo sau tay lái anh, ngắm trời xanh bao la, hương rơm rạ thơm ngạt ngào, nghe anh kể chuyện ngày xửa, nagyf xưa, nào là lớp anh có 3 Minh.
- Thế phân biệt 3 anh như thế nào?
- Minh Hạc, Minh Mán, Minh Giao thông.
- Tại sao lại gọi như thế? Ngày xưa lớp sơ tán của bọn tôi cũng có 3 Thục. Thầy giáo đặt tên là Thục A, Thục B và Thục C theo thứ tự chiều cao. Em là Thục B. Nhưng bọn trong lớp chỉ gọi Aơi, B ơi C ơi. Khi được học các góc lượng giác thì chúng chuyển sang gọi Anpha ơi, Bêta ơi, Cigma ơi. Cuộc đời học trò thật vui, thật tinh nghịch. Anh kể:
- Mỗi lần về đến quê, bao nhiêu những chuyện buồn, chuyện bực mình trên viện, trên thành phố đều biến mất, quên hết. 
Có lẽ chúng hòa vào những cánh đồng thẳng cánh cò bay, tan vào dòng mương đang chảy dưới chân anh, rồi tất cả theo gió cuốn đi, cuốn đi. Anh thấy lòng mình nhẹ tênh, vừa đi vừa nhảy chân sáo chờ "Cụ già" đạp xe ra đón anh con trai độc nhất. Anh kể tiếp:
- Hai cụ chờ mình về là thịt gà vịt.
- Một ngày, cả nhà 3 người ăn hết 2 con vịt to tướng. Anh ăn chứ ai ăn. Ừ, thế mà vẫn cứ thèm thịt.
Những câu chuyện trên đường về quê cứ dầy thêm, tạo cảm hứng cho tôi viết bài: Quê anh (1983). Xem xong, anh bảo: Được!
Ngày xưa, anh được chọn đi thi học sinh giỏi văn, giỏi toán. Văn thì được cái "dải rút", còn toán được giải của tỉnh, rồi đi thi toán toàn miền Bắc -  Chẳng được cái giải gì. Thi tốt nghiệp lớp 10 anh bị kỷ luật vì tội ném bài cho "cô bạn thân nhất" trong lớp, phải chờ năm sau mới được đi thi lại. Trong trường, anh có tên trong danh sách đi học ở Đức, không hiểu vì lý do gì mà không được đi, thôi đành học đại học ở trong nước vậy. Bọn trẻ nhà tôi ngưỡng mộ bố lắm:
- Bố văn hay, chữ đẹp nhất nhà. Bố kể chuyện buồn cười nhất nhà.

Một ngày đầy nắng, anh bảo:
- Đi chụp ảnh đi!
Mắt chữ O, mồm chữ A, tôi nhìn anh chằm chằm:
Để làm gì?
Cả anh và tôi đều không thích chụp ảnh. Anh kéo tôi lại gần, thì thầm:
Mỷ niệm ngày cưới.
Tự dưng nước mắt ở đâu tràn ra, tôi không khóc mà sao nó cứ lăn dài trên má. Anh lấy bàn tay cứng rắn, to tướng chùi chùi quệt quệt trên má tôi vụng về. Tôi không nói câu nào, chỉ ngật  ngật đầu cho anh bằng lòng. Đây là lần thứ hai trước mặt anh tôi không khóc  mà nước mắt, nước mũi cứ rơi lã chã.
Tôi nhớ, những năm 80, có lần giặt quần áo cho anh, tôi thấy có 1 tờ giấy vở học sinh trong túi áo. Tôi khẽ lấy ra. Tờ giấy đã ướt sũng. Tôi cẩn thận giở ra đọc. Bây giwof tôi vẫn còn nhớ như in nét chữ ấy, màu bút bi tím ấy: "Cứu được mẹ thì mất con, cứu được con thì mất mẹ, nên lấy vợ hai ..."
Rất lạ, lúc ấy tôi không tốn một giọt nước mắt nào. Tôi cẩn thận mang tờ giấy đi phới khô rồi cất đi. Đến trưa, anh về, không có cơm cháo gì hết, tôi bảo anh lên ngay tầng hai, rồi đưa cho anh tờ giấy ấy. Tôi không muốn anh nhìn thấy những giọt nước mắt của tôi. Khi anh cầm tờ giấy đọc, nước mắt ở đâu trào ra giàn giụa, đứng sừng sững, không nói năng gì, mắt nhòa đi. Anh ôm đầu tôi vào ngực anh, vỗ về:
- Không có đâu! Nín đi, không bọn trẻ con về trông thấy, nó bảo mẹ khóc nhè. Trẻ con thế!
Rõ ràng, giấy trắng, mực tím còn đây, sau lưng tôi chắc có một bí mật nào, đâu đó.
"Và con tim anh dành nơi ai
Là bờ vai, là màu tóc rối?"
Anh hỏi Thầy chỉ là để khẳng định lại thôi. Tối hôm ấy tôi ôm gối sang ngủ với bọn trẻ. Tôi hờn dỗi anh mấy tháng trời. Khi đã làm lành, anh nói:
Đối với anh, công việc là số 1. Khi xong việc thì chỉ có Em. Anh muốn em là người bạn đời mãi mãi của anh.


Tôi nhớ, vào một ngày đẹp trời, anh rủ rê tôi ra chợ Giời. Tôi bảo:
- Toàn đàn ông ra làm gì?
Thì sao ?
Em lạ gì chợ Giời, ngày xưa đi học ngày nào em cũng đi qua. Mà chợ ngày xưa sạch sẽ, đẹp đẽ, thênh thang, bán đủ các loại trên đời rất đẹp, nào vải vóc, quần áo, đồ cổ,... chứ không chỉ bán mỗi đồ điện, điện tử như bây giờ đâu. 
Lúc bé tôi học ở trường Độc Lập nằm trên phố Huế, gần Ô Cầu Dền. Trong chợ, cạnh phố Trần Cao Vân còn có trường Đoàn Kết rất gần nhà tôi. Tôi mong lớn lên, lên cấp II sẽ được hoc trường ĐKết để đi học gần hơn, để có thêm "đồng minh". Ai ngờ chiến tranh xảy ra, tôi đi sơ tán từ năm lớp 4 đến lớp 9 thì trở về Hà Nội, học cùng trường cấp III Đống Đa với chị Tâm. 
Vào chợ Giời, anh dẫn tôi đến 1 cửa hàng, mua bán xong, bà chủ nhìn anh cười: 
- Bồ à?
Ra khỏi cửa hàng tôi bảo:
- Tại sao bà ta lại hỏi bồ đấy à?
- Ai mà biết được!
- Bà ấy phải hỏi vợ đấy à chứ! Tại sao anh không trả lời là vợ đi? Như vậy anh đã từng đến đây với 1 cô và bà ta đã hỏi: “Vợ đấy à?”, anh đã trả lời “Vâng !”, nên hôm nay anh đi với em thì bà ấy phải hỏi: “Bồ đấy à” là đúng.
- Bà ấy muốn hỏi gì, nói gì là việc của bà ấy, anh không biết!
Trên đường về, tôi không còn bi bô líu lo, cũng không ôm eo như lúc đi nữa. Tôi thấy cuộc sống nặng nề. Đến phố Bà Triệu tôi bảo anh dừng lại 
- Mua lạc à?
- Anh đi đâu thì đi đi!
Tôi rẽ vào nhà ông bà ngoại kể tội. Bố tôi thì có vẻ đồng tình với con gái, còn mẹ tôi lại bênh con rể:
- Con ơi, anh Văn không như thế đâu.
Từ đấy, cứ hễ đến ngày sinh nhật anh, tôi mua 1 tá toàn quần đùi áo may ô, không tặng sơ mi quần dài nữa. Anh hỏi thì tôi bảo: 
- Bồ tặng, học trò tặng, em còn mua làm gì cho chật tủ 
- Chỉ được cái bôi bác người ta.
Sinh nhật tôi, anh hỏi:
- Muốn gì nào?
- Bộ giàn karaoke như nhà anh Môn.
Anh hát hay ra phết. Anh khoe ngày còn ở nhà, anh có một quyển sổ tay chép hàng trăm bài hát, hát cả đêm cũng không hết. Tôi bảo:
- Cho em xem
- Cụ già cho bọn thanh niên mượn mất rồi. 

Những điệp khúc hờn dỗi anh cứ lặp lúc dài lúc ngắn. Nhưng tôi yêu anh, yêu cái đầu thông minh trí tuệ và yêu con người sống có đạo đức của anh. Con gái đầu của chúng tôi nói:
- Bố không biết làm hại ai.
Suốt từ năm 2004 đến 2011 cả nhà 4 người mới được đầy đủ vẻn vẹn chỉ trong 2 tuần lễ ngắn ngủi – về ăn Tết, rồi các con lại xa nhà. Công việc thu hút anh như một chiếc nam châm,anh mải mê đến nỗi quên cả đón con. Một lần tôi bảo: 
- Chiều nay anh nhớ đón con, đến tối em mới về.
Về đến nhà tôi hỏi:
- Con đâu?
Anh bật đứng dậy như một cái lò so Tôi và anh vội vàng phóng xe đến Cung Thiếu Nhi. Hà Nội đã lên đèn từ lâu, sân cung vắng tanh không một bóng trẻ con, cổng đóng then cài. Con bé đang đứng nép người, tựa vào cổng tường. Hú hồn hú vía, Tôi ôm lấy con, nó mếu máo:
- Con đói quá! 
 Sang năm 2016, anh ho nhiều, có lần ho ra hàng chén máu tươi. Anh cấp cứu vào bệnh viện. Bác sĩ gọi tôi vào phòng, trước mặt là tập hồ sơ:
- Chị là như thế nào với anh Văn?
- Tôi là vợ
Bác sỹ cho tôi xem các loại xét nghiệm, các hình ảnh chụp cắt lớp, ... giảng giải phân tích rồi nói:
- Anh bị ung thư phổi trái, giai đoạn cuối.
Tôi òa khóc, vừa khóc vừa gọi anh. Chờ cho tôi bình tĩnh trở lại, bác sỹ nói phác đồ điề trị. Tôi sụt sịt lắc đầu:
- Anh không chịu nổi đâu!
Mấy hôm sau tôi ký giấy cam kết và làm thủ tục ra viện, không phẫu thuật, không xạ trị.
Từ khi tôi về hưu, sáng nào anh cũng chở tôi đi chợ, đưa tôi về rồi mới đi đâu thì đi.Bây giờ thấy tôi đi lóc cóc một mình, anh nhìn theo:
- Đi cẩn thận, nhớ!
Anh chiều tôi,  chịu khó đưa tôi đi khắp nơi. Những năm 90, anh đưa tôi đến nhà anh Quang (trường thương mại), anh Minh (trường tổng hợp) để tôi hỏi công việc. Tôi thích nhất là được anh chở đến những khu mới xây dựng xong của thành phố vào những buổi chiều muộn. Anh thích chí nhìn tôi mắt tròn, mắt dẹt:
- Ồ, ề!
Anh uống đủ các loại thuốc men trên đời, từ bawcs vào nam, đông tây y kết hợp. Cứ hai ngày một con ngan đên trên 2kg đã làm sạch sẽ lòng mề hầm với một thứ lá  con gái đầu gửi từ trong nam ra. Hầm âm ỉ một ngày ròng trong nồi đất. Chỉ lấy nước ngan uống, còn bã ngan cho chó, mèo. Ngan đen - Các cháu của anh ở Phủ Lý mua 1 đàn rồi nuôi hộ (vì họ không bán lẻ từng con), hết lại mang ra. Chó mèo những bữa đầu ăn ngan trừ cơm thì sung sướng lắm. Mỗi lần ăn xong, con chó liếm môi bên này, bên kia, đuôi ngoáy tít, đến buồn cười.
- Ngon, ngon!
Sang đến tuần thứ hai, hễ thấy mang đĩa ngan ra là nó ù té chạy ra vườn, chắc là để "ói". Còn con mèo chạy mất dép lên sân thượng, kêu meo meo.
Trên người anh đắp đầy các loại lá lẩu thay cho quần áo. Nhìn chết cười.
Năm 2018, anh yếu sức khỏe đi trông thấy. Mỗi lần lên xuống cầu thang thật vất vả, mới đi được vài bậc đã dừng lại, vịn tay vào cầu thang, thở hổn hển. Nhưng anh cứ giả vờ lạc quan, anh đang tự dối mình để tôi bớt sợ.
Hàng ngày, tôi cùng anh cố gắng đi bộ ra hồ, nhưng chỉ đi được vài bước đến Nhà Sen là anh dừng lại, thở khó nhọc. Tôi sợ lắm. Ngày trước anh đi bộ nhanh hơn tôi, mỗi sáng đi về hàng 6-7km. Anh rất dễ nuôi - Ăn khỏe, ngủ khỏe. Tôi thường đùa:
- Nhà mình có một Ông Tiên.
Giờ đây thì ngược lại, nhìn anh ăn, anh thở, tôi xót xa vô cùng. Tôi linh cảm sự xa cchs cứ nhích lại gần hơn.
Tôi biết nhiều các anh chị lớp Lý đại học của anh. Anh Môn và tôi ngày xưa cùng một phòng làm việc. Anh Phú ngồi bên phòng Vật lý hạt nhân, ngay cạnh phòng làm việc của bọn tôi, vợ anh Phú cũng cùng phòng với tôi. Chị Tâm Đệ, anh Hải Vân, cả ba anh Minh, anh Bình Lý (ở Đức), anh Đức tủ, ... Khi anh Văn ốm, anh Tài là "bác tài" thường trực, tận tình đưa anh đi khám chữa bệnh ,dù xa, dù gần. Anh Môn là "người bạn đường", luôn bên cạnh anh, kể cho anh hàng kho chuyện đông tây kim cổ mà không biết chán. Các anh chị trong BLL lớp Lý đại học thường xuyên đến chơi động viên anh.

Dẫu biết rằng không tránh khỏi quy luật của Trời Đất - "Sinh Lão Bệnh Tử", nhưng tôi vẫn hy vọng "Thuyền không xa Sông". Tôi từng đọc:
"Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc
Khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười!"

Những phút cuối, anh nằm bất động, nước mắt ứa ra từng giọt, từng giọt ở khóe mắt. Anh không còn đủ máu để tạo thành những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt hốc hác nữa. Tôi đã đọc đâu đó rằng nước mắt là những giọt máu tạo thành.

Về hưu, tôi theo học lớp Hán Nôm. Thầy giáo dạy cho cách xem ngày giờ tháng năm ra đi. Anh chẳng được cái nhập mộ nào cả, có 3 thiên di và một trùng tang. Một hôm đang ngồi trên xe buýt về nhà, bến sau là bến tôi phải xuống, nhưng tôi vẫn cứ ngồi ung dung trên xe, dường như không sẵn sàng xuống. Bỗng tôi nghe văng vẳng tiếng anh:
- Đến nơi rồi, không xuống đi.
Tôi bừng tỉnh, vội vàng ra cửa xe. 

Tôi đang làm những việc anh bỏ lại để anh yên tâm, để anh siêu thoát.

Ngày 19/1/2019 (14/12 Âm Lịch), anh đi, để lại một Khoảng trống, khoảng trống cho các con, khoảng trống cho tôi, trong lòng tôi.
"Ngày anh đi, để mình em đứng đó
Anh có hay lòng em mãi thương anh 
Đừng cách xa cho mi buồn đẫm lệ
Rơi vì Người đi mãi không về"

01/12/2020 -  ThucPT


Nhận xét