ANH MINH GIÀ (1947 – 2018)
Anh là Lê Quang
Minh, mà ngay từ những ngày đầu vào lớp đã gọi là anh Minh già, bởi vì nom anh
già nhất lớp, mặc dù chẳng một ai biết ngày tháng năm sinh của anh cả. Cho đến
ngày anh đi xa mãi, gia đình mới cung cấp thông tin theo hồ sơ là sinh ngày 05/3/1942
tại Tràng Thi, Thanh Hóa để đưa lên cáo phó. Rồi gần đây, theo thông tin đăng
trong cuốn Kỷ yếu của các CCB đơn vị anh Minh thì lại thấy ghi năm sinh 1940. Vậy
mà những thông tin đó cũng không đúng luôn. Thôi, giờ xin phép ông anh cho bạch
hóa luôn để lũ em được tường minh.
Hôm giỗ anh Minh
già lần thứ hai, anh Thành, anh trai ngay trên anh Minh, cho hay ông mới là người
sinh năm 1942, thậm chí số ngày tháng còn to hơn cả ngày 05/3 của anh Minh. Còn
anh Minh sau ông ấy 5 năm, tức 1947. Biết vậy thôi, chứ cũng chẳng để làm gì. Những
người đặc biệt hay thế. Đến Bác Hồ cũng chắc gì chính xác được ngày tháng năm
sinh vậy mà vẫn tưng bừng kỷ niệm vào ngày 19/5 đấy thôi! (năm sinh 1947 đã được
xác định rõ trên bia mộ anh Minh khi một số bạn đã đến thăm và thắp hương vào
ngày 5/10/2020 tại Nghĩa trang Văn Điển).
Đôi lúc trà dư tửu
hậu, anh Minh già hay than thở: số tao khổ vì phải đưa lũ chúng mày ra đồng hết,
khi đến lượt tao thì chẳng có đứa nào. Và sau đó là đi nguyên một cốc rượu hoặc
bia để cho thấm hết nỗi buồn cô đơn ấy!... Thật buồn là điều vớ vẩn ấy lại trở
thành một phần sự thật khi lần lượt những Phạm Mạnh, Nguyễn Thị Ngọc Yến, Lê
Minh, Đồng Nhật Tiến, Trần Minh Văn đã lần lượt bỏ lớp ra đi sớm quá. Có lẽ do giận
mình đùa gở miệng nên ông anh cũng vội vã đến với mấy đứa đó cho đỡ buồn chăng!!!.
Nhớ cái thuở ban
đầu ở Thượng Đình, lúc đó anh mới rời quân ngũ. Sau chuỗi ngày điều trị, vết
thương do chiến tranh tiếp tục hành hạ, dằn vặt. Nhiều lúc anh như kẻ lãng du,
lăn lê bò toài trên sân bóng sau nhà liên hợp, cứ nhằm xác mấy cái ô tô, coi đó
là những chiếc xe tăng mà tấn công, rồi nằm vật ra, chắc là đau đớn lắm…Mấy thằng
em khuyên, dỗ thế nào cũng không được. Chỉ đến khi anh Hiên Cù ra bảo: Về đi,
con Lan nó đang đi tìm khắp kìa. Thế là ông anh lồm cồm bò dậy và ngoan ngoãn về
phòng (hình như cô Lan là một nữ y tá chăm sóc cho anh Minh tại trạm xá mà anh
Minh và anh Hiên điều trị trước lúc ra quân). Tài thế đấy!.
Cuộc sống quân
ngũ của anh Minh là những trang chưa bao giờ được tiết lộ và khơi gợi biết bao
sự tò mò của đàn em trong lớp. Mới đây mới được giải mật một phần. Nhập ngũ từ năm
1965 đến 1969, anh Minh là một trắc thủ trong Tiểu đoàn kỹ thuật tên lửa 65 thuộc
Trung đoàn 236 tên lửa phòng không đầu tiên của Việt Nam thành lập năm 1965. Khá
đặc biệt là ngay từ thời đó, anh đã thể hiện là một thanh niên thông tuệ, trên
thông thiên văn, dưới tường địa lý và một trí nhớ tuyệt vời. Anh có thể đọc
vanh vách xuôi ngược Truyện Kiều của đại văn hào Nguyễn Du, đàm luận khúc triết
về y lý phương Đông, hay có những ý tưởng với tư duy khác lạ…, hoặc tranh luận
đến cùng về một vấn đề kỹ thuật, xã hội nào đó và thường là phần thắng kết thúc
nghiêng về anh Minh. Chính vì có một khoảng cách với phần đông anh em trong đơn
vị là những thanh niên nhập ngũ từ làng , quê khiến anh cảm thấy luôn cô đơn và
lạc lõng trong một tập thể không cùng chia xẻ…
Bằng sự thông
minh, xốc vác và nhiệt tình, anh Minh tiếp thu rất nhanh các yêu cầu kỹ thuật về
tên lửa do các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn và luôn đi đầu trong các công việc
bảo đảm chỉnh lý, lắp ráp các khí tài tên lửa đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ sẵn
sàng chiến đấu. Thành tích được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ
trang của Tiểu đoàn kỹ thuật tên lửa 65 đã có phần đóng góp không nhỏ của anh
Minh.
Ngày 25/7/1965, sau
những quả tên lửa đầu tiên do các tiểu đoàn chiến đấu của Trung đoàn 236 khai hỏa
và bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 400 trên bầu trời miền Bắc, không lực Hoa kỹ bắt
đầu tìm diệt các căn cứ tên lửa của ta. Ngày 05/11/1965, một tốp F.105 đã bổ
nhào vào trận địa của Tiểu đoàn 65 ở khu vực lâm trường Ô Môn, Miếu Môn, Mỹ Đức,
Hà Tây. Những loạt bom đã rơi trúng khu vực hầm Ban chỉ huy tiểu đoàn khiến tiểu
đoàn trưởng và phó cùng nhiều chiến sỹ hy sinh và bị thương. Theo đồng đội của
anh Minh kể lại thì nhiều khả năng anh Minh đã bị thương trong sự kiện này và
sau đó ra quân, nhập học khóa 15 Vật lý, ĐHTH.
Sau khi ra trường,
anh Minh nhận công tác tại Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Không dừng tại
đó, anh đã từng chuyển sang làm việc tại Viện Di truyền học thuộc Bộ Nông nghiệp,
rồi lại sang Công ty Kỹ thuật công trình Hà Nội… Có lẽ do tính cách năng động
và có nhiều ý tưởng tham vọng hướng đến những dự án phiêu lưu, khác người, anh
Minh luôn cảm thấy không có chỗ làm việc nào thỏa mãn được năng lực, ý chí của
mình. Trong một chương trình nào đó, những năm 80, anh đã có cơ hội sang công
tác tại Liên Xô (cũ). Thời gian đó càng hun đúc trong anh ý chí thực hiện những
hoài bão, ý tưởng lớn. Anh Minh quyết định nghỉ việc nhà nước từ năm 1999 và lao
vào những ước mơ của riêng mình…Tiếc thay, anh đã không một lần thành công
trong các dự định.
Phải khẳng định,
sự tái hợp lớp Vật lý K15 có công sức rất lớn của anh Minh. Anh đã dành nhiều
thời gian để tìm lại và gắn kết nhiều bạn trong hoàn cảnh lúc đó không có
phương tiện thông tin liên lạc như bây giờ. Còn nhớ năm 1976, khi tôi vừa từ miền
Nam trở ra Bắc, mới chỉ kịp đến Trường nộp hồ sơ để nhập học lại. Trưa hôm sau,
không hiểu thông tin từ đâu, đã thấy anh Minh già xuất hiện trước cửa nhà với
chai cuốc lủi ôm trước ngực, bên cạnh là Đồng Nhật Tiến…Bất ngờ và mừng đến
phát khóc. Ôm lấy nhau, anh Minh nói: “Anh đã nghĩ là không còn gặp lại chú được
nữa”. Ba chúng tôi kéo nhau ra bờ hồ Trúc Bạch, mượn cốc uống bia hơi của nhà
hàng bia hơi Hồ Tây kề bên để uống rượu và kể cho nhau nghe những chuyện đã qua.
Uống xong, say quá không nhớ bằng cách nào cả 3 thằng cùng leo lên chiếc xe cuốc
của Tiến khỉ và bò về được đến nhà Tiến ở làng Ngọc Hà (lúc đó anh Minh như là
môn khách ở nhà Đồng Nhật Tiến).
Không chỉ tìm gặp,
anh còn quan tâm, hiểu biết sâu đến cuộc sống, gia đình của từng người trong lớp
như là một người anh. Ban đầu chỉ là tập hợp nhỏ vài ba người thù tạc bên bàn
nhậu bia lạc, sau đó cứ mở rộng dần bàn nhậu bia lạc đến cả các bạn nữ. Sự có mặt
của anh Minh như là điểm tựa cho sự tập hợp ngày càng đông các bạn từ Nam ra Bắc,
từ nước trong đến nước ngoài, không cuộc nào vắng mặt. Chỉ tiếc là cuộc gặp gỡ,
giao lưu cuối cùng tại Vũng Tàu trước lúc đi xa anh Minh đã không có mặt như một
điềm gở!. Cuộc gặp mặt năm 2020 kỷ niệm 50 năm ngày nhập trường của lớp Vật lý
K15 xin dâng lên anh Lê Quang Minh và các bạn đã khuất nén hương ghi nhớ mãi
mãi những tháng ngày ấm áp, đẹp đẽ bên nhau./.
Hà Nội, tháng 10/2020
Vũ An Ninh
Nhận xét
Đăng nhận xét